Mẹ nấu cơm, bảo chị Tít trông bé Gấu. Gấu bò ra cầm búp bê của chị. Tít giật lại làm em ngã vập đầu, khóc thét. Mẹ chạy lên thấy một cục sưng trên trán con, vừa dỗ, vừa quát mắng Tít. Thế là hai chị em khóc la làng.
Chị Hồng (Đống Đa, Hà Nội) có hai đứa con là Tít 3 tuổi và cu Gấu mới 1 tuổi. Mỗi ngày trôi qua với chị là một ngày phải gồng mình lên để giải quyết sự ghen tị giữa cô chị với cu em. Nhiều khi “bất lực” trước con, chị bị stress, không còn giữ được bình tĩnh.
Trước khi chị sinh con thứ hai, Tít là nàng công chúa bé nhỏ trong mắt bố mẹ, ông bà. Bé thích gì là được mọi người chiều chuộng, đáp ứng. Đã đến tuổi ăn cơm thạo nhưng cả ngày Tít chỉ thích uống sữa, bố mẹ vẫn chiều.
“Có lẽ vì thế Tít sinh tính ‘tiểu thư’, rất đỏng đảnh, khó tính, thường xuyên hờn dỗi. Hễ không vừa ý là con bé khóc, đánh, đấm vào mặt mình. Vợ chồng tôi càng dỗ, nó càng khóc nhiều hơn. Nhỡ có quát mắng thì nó nằm giãy đành đạch xuống nền nhà ăn vạ”, chị Hồng kể.
Tình huống càng trở nên tồi tệ hơn kể từ sau khi chị sinh con thứ hai. Gấu hay ốm nên gần như mọi thời gian, chị Hồng đều ở bên con trai. Sự quan tâm, chiều chuộng của bố mẹ với Tít bị giảm khiến cô bé càng khó bảo, hay giận hờn. Gia đình thường xuyên có tiếng quát mắng.
Chị Hảo cũng có hai đứa con: Chíp 4 tuổi và Sóc hơn 1 tuổi. Ngay từ khi mang thai, chị đã lo lắng không hiểu Chíp sẽ phản ứng thế nào khi có em, nên dành thời gian kể về em với Chíp. Lần nào mẹ cũng nhận được câu “con không thích có em” từ thằng bé.
“Chíp được chiều từ bé nên đành hanh, hễ muốn gì là phải đáp ứng ngay. Ví như lúc Chíp khóc, chỉ cần mình ôm vào lòng là nó ngoan ngoãn nín; ngược lại không dỗ thì nó khóc đến khản cổ. Khi mẹ bế em bé là đều thấy ánh mắt đầy ghen tị của Chíp”, chị Hảo kể.
Chíp cũng rất nghịch. Em đang ngủ, cu cậu chạy đến bẹo mông, vạch mắt, chọc em tỉnh giấc. Dù mẹ đã nhắc nhiều lần, cậu vẫn chơi trò lao đầu vào bụng em rồi cười khanh khách hoặc giật tóc, cắn vào tay em bé.
“Tết Trung thu, Chíp đòi đi rước đèn với anh chị trong xóm trong khi Sóc đang sốt nặng nên mẹ không cho. Thế là cháu khóc thét lên rồi chỉ tay thẳng vào mặt mẹ nói ‘Mẹ đẻ con ra làm gì mà không thương con. Mẹ hư lắm. Bố đẻ con ra làm gì mà không thương con, bố đi đi, đừng về với con nữa. Con ghét bố mẹ'”, chị Hảo tâm sự. Người mẹ “tức sôi máu, nẻ vào mông nó vài phát”.
Cả hai người mẹ này đều cảm thấy bị stress vì cãi vã, tranh giành giữa những đứa con. Các chị cũng lo lắng khi các cháu lớn hơn sẽ ganh tị nhiều hơn. Khi ấy, làm thế nào để dung hòa…
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà – Trung tâm tư vấn tâm lý thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những đứa trẻ đang là trung tâm của cả gia đình, khi có em bé mới mà thiếu đi sự yêu thương, quan tâm thì tự nhiên nó sẽ cảm thấy hụt hẫng, bị bỏ rơi. Trong những gia đình bố mẹ không biết cân bằng, xử lý, hoặc hay đem bé lớn so với bé nhỏ, thì dễ khiến trẻ chuyển sự ganh ghét sang em nhỏ.
“Tình trạng này thường diễn ra ở các gia đình sinh con dày, bố mẹ chiều con quá mức. Lúc này em bé chưa đủ nhận thức tình máu mủ mà chỉ nhìn thấy những điều trước mắt như bố mẹ, quần áo, đồ chơi, đồ ăn bị chia sẻ. Bố mẹ càng quát mắng thì càng khiến trẻ sinh lòng đố kị hơn”, bà Hồng Hà nhận xét. Nếu để tình trạng này lâu dài sẽ khiến đứa trẻ bị mất cân bằng tâm lý, trở nên xa cách, lì lợm, tạo nên một tuổi thơ không tốt cho trẻ.
Để tránh tình trạng này và giúp các bé hòa đồng, chuyên gia Trần Thị Hồng Hà tư vấn:
– Trước tiên cần lôi kéo sự tham gia của trẻ vào công việc chăm em nhỏ để nó thấy mình có ích, không bị bỏ rơi. Ví như trong quá trình mang thai, các bà mẹ cũng hãy nhẹ nhàng nói bóng gió về chuyện trẻ sắp có em, tạo ra dây liên hệ giữa bé lớn với em sắp chào đời. Quan sát sự phản ứng của trẻ và dạy dỗ kịp thời. Cố gắng gợi về những trách nhiệm, niềm vui với thiên chức sắp được làm anh/chị của trẻ. Lúc em bé sinh ra hãy khuyến khích sự tham gia của trẻ vào công việc chăm em.
– Đôi khi có những đứa trẻ rất thích sờ em bé, nựng em nhưng bố mẹ luôn sợ sẽ làm đau em. Các mẹ hãy nhẹ nhàng lấy tay bé lớn vuốt ve bé nhỏ. Làm như thế nhiều lần bé sẽ quen và gần gũi em hơn.
– Cha mẹ phải nhận thấy rằng đứa lớn có quyền nghĩ không ai được san sẻ tình yêu của bố mẹ với nó. Vậy nên lúc mẹ chăm đứa nhỏ thì bố hãy chăm đứa lớn. Tuyệt đối không được so sánh bé lớn với bé nhỏ.
– Khi trẻ có đố kị hãy khuyến khích trẻ bộc lộ, thông qua đó cha mẹ có cách uốn nắn dần dần.
– Khi con lớn lên, cha mẹ hãy luôn là “trọng tài” trong mối quan hệ giữa các con. Nên lấy sự công bằng để giải quyết những xung đột, kết hợp với việc giáo dục những bài học về tình cảm gia đình để trẻ dần thay đổi suy nghĩ.